Ngữ văn lớp 10 của chương trình phổ thông mới được đưa vào giảng dạy từ đầu năm học 2022 - 2023 và qua gần 3 tháng học tập, giáo viên và học sinh có các nhận xét cho thấy những mặt tích cực lẫn không ít khó khăn.
Ngữ văn lớp 10 của chương trình phổ thông mới được đưa vào giảng dạy từ đầu năm học 2022 - 2023 và qua gần 3 tháng học tập, giáo viên và học sinh có các nhận xét cho thấy những mặt tích cực lẫn không ít khó khăn.
Học sinh không chỉ học thuộc đề cương
Hoàng Khánh Nam, học sinh lớp 10 Trường THPT Sài Gòn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay: “Môn ngữ văn lớp 10 không còn là những tiết dạy về tác phẩm, tác giả thuần túy mà chúng em học theo thể loại văn học. Sau khi học xong lý thuyết, chúng em có thể phân biệt được các thể loại văn học, cách thức phân tích từng thể loại…”.
Còn một học sinh lớp 10D1 Trường THPT Trưng Vương (Q.1) nói rằng, tương tự như các môn học khác, ngữ văn cũng đòi hỏi học sinh trau dồi kỹ năng, biết phân tích, đánh giá vấn đề chứ không còn là học thuộc đề cương, học thuộc nội dung phân tích nhân vật, nghệ thuật hay tư tưởng của tác phẩm.
Theo đa số giáo viên giảng dạy môn ngữ văn lớp 10 bộ sách Chân trời sáng tạo tại TP.HCM, với việc áp dụng các phương pháp dạy học mới mà giáo viên được tập huấn trong các mô đun, lớp học trở nên sôi động hẳn lên. học sinh rất tích cực phát biểu, tranh luận trong các hoạt động dạy học. giáo viên tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm nhiều hơn nên sự thuyết giảng của thầy cô cũng giảm bớt lại. Cùng với đó là các kỹ năng nói và nghe được thiết kế trong các bài học giúp học sinh có cơ hội bày tỏ chính kiến, nên lớp học lúc nào cũng sôi nổi.
Cách xây dựng tiến trình từng bài học cũng tiện lợi cho giáo viên khi triển khai bài dạy và học sinh dễ dàng tiếp thu. Chẳng hạn, đầu mỗi bài học có phần tri thức ngữ văn chung làm chìa khóa, định hướng cho việc tìm hiểu. Ở phần đọc có sự tích hợp, kết nối, mở rộng với các văn bản cùng chủ điểm, giúp học sinh hiểu sâu vấn đề hơn. Các bảng kiểm tra trong hoạt động viết, nói giúp giáo viên dễ dàng có công cụ kiểm tra kỹ năng của học sinh và giúp các học sinh dễ dàng thực hiện. Hơn nữa, ở mỗi bài học đều có ngữ liệu tham khảo, rất tiện lợi cho học sinh trong hoạt động viết, không cần phải có thêm tài liệu tham khảo hỗ trợ. Chính vì vậy, học sinh cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tự học.
Với những chia sẻ của học sinh lớp 10 về việc thay đổi phương pháp, hình thức học môn ngữ văn, thạc sĩ Hồ Viết Cường - Trường Liên Cấp Pasteur, nhìn nhận học sinh phải học một cách chủ động. Đối với chương trình cũ, giáo viên phải làm việc nhiều, còn đối với chương trình mới, người thầy đóng vai trò hướng dẫn để học sinh hiểu, biết, vận, dụng và thể hiện năng lực của bản thân. “Trước đây, theo chương trình cũ, học sinh phụ thuộc rất nhiều vào thầy cô, vào những bài giảng về các tác phẩm của thầy cô. Nhưng với mục tiêu, phương thức tổ chức dạy học của chương trình mới thì giáo viên đóng vai trò hướng dẫn kỹ năng sau đó học trò vận dụng vào để viết”, ông Cường nói.
Tương tự, khi nói về môn ngữ văn lớp 10 trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới, cô Nguyễn Thị Kim Cúc nói rằng ngày xưa học sinh học và sẽ kiểm tra những bài đã học nhưng nay tác phẩm văn học không còn là bài học mà trở thành bài tập. Do đó, học sinh sẽ không phải học thuộc lòng bài học để đi thi và giáo viên giảng không chỉ kiến thức mà còn là kỹ năng phân tích, cảm nhận, xử lý yêu cầu của môn học. “Chẳng hạn qua đợt kiểm tra vừa qua phát hiện ra bài thơ có 10 ý nhưng học sinh làm được một số ý thì giáo viên cũng phải mừng. Có thể bài viết không sâu sắc vì từ trước đến nay đa phần học sinh học văn theo kiểu học lại đề cương của giáo viên cho nên bài viết rất hay. Nay thì phải chấp nhận bài viết chưa hay, nội dung không sâu sắc nhưng cần tôn trọng mức độ cảm thụ của học sinh”, cô Cúc phân tích.
Thăm dò ý kiến học sinh lớp 10, chúng tôi thấy đa số các em khá thích thú về việc kiểm tra, đánh giá với ngữ liệu lấy ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, nhiều em cũng thừa nhận khó khăn hơn khi làm bài. Đây là một thực tế nếu học sinh không nắm vững đặc trưng thể loại văn bản, kỹ năng đọc hiểu không tốt. Để “hóa giải” cho nỗi lo này, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu vừa nêu, học sinh cần dựa vào bảng kiểm tra kỹ năng viết trong từng bài học. Xem đây là “chìa khóa” để áp dụng cho các yêu cầu đồng dạng, các văn bản ngoài sách giáo khoa.
Học sinh lớp 10 chọn lựa theo khối lớp có định hướng nghề nghiệp thiên về các ngành khoa học xã hội và nhân văn phải học thêm các chuyên đề ngữ văn. Theo đó, có 3 chuyên đề trong một năm học. Theo tiến trình giảng dạy thì hết tuần thứ 6 của học kỳ 1 là gần xong chuyên đề 1 (Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian). Tuy nhiên, nhiều học sinh cho biết khó khăn trong việc nghiên cứu. Nhiều giáo viên cũng lúng túng khi hướng dẫn học sinh vì chưa có kinh nghiệm.
Qua 3 tháng dạy và học môn văn theo hướng mới, nhiều giáo viên đánh giá có phần quá sức với một bộ phận học sinh chưa tạo cho mình khả năng tự học. Theo các giáo viên, những học sinh này học chương trình cũ qua 9 năm, khác lộ trình, mục tiêu, định hướng cũng như chưa quen với yêu cầu mới, cách dạy, đánh giá theo chương trình mới.
Riêng về việc sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa vào trong đề kiểm tra, cô Nguyễn Thị Kim Cúc cho rằng điều này giúp học sinh có kỹ năng để phân tích một tác phẩm hoàn toàn mới. Nhưng văn học có khó là văn chương không theo một công thức chuẩn. Nó không phải là toán học, áp dụng công thức vào là được. Mỗi nhà văn, mỗi nhà thơ có hướng đi riêng. Văn chương còn là cái tôi của người nghệ sĩ, do đó giáo viên chọn văn bản để ra đề kiểm tra học sinh cũng là một vấn đề.
Theo cô Cúc, việc làm này đòi hỏi giáo viên phải nâng cao trình độ, nắm chương trình nếu không sẽ bị lệch, đánh giá học sinh không chính xác.
Cũng theo cô Cúc , với những thay đổi về việc học, việc biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn theo chương trình mới, nếu trong phạm vi nhỏ thì không sao nhưng với phạm vi rộng, có tính quốc gia cần có những lưu tâm. Chẳng hạn đề thi phụ thuộc vào người ra đề, ví dụ với một tác phẩm đưa vào đề thi, có thể giáo viên này đã đề cập nhưng giáo viên khác thì chưa nên học sinh sẽ gặp khó khăn hơn. Vì vậy, với các em học sinh lớp 10 năm nay, sau 3 năm nữa khi các em thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần tính toán về việc biên soạn đề thi chung cho học sinh trên toàn quốc.